tiền sử gia đình (nếu một vài người trong gia đình đã có hoặc đang bị loãng xương thì sẽ có nguy cơ cao hơn bị loãng xương); giới tính (nữ giới khả năng sẽ tiến triển bị loãng xương hơn nam giới); sắc tộc (người da trắng và da vàng thì nguy cơ loãng xương cao hơn người da đen). Tuy nhiên, có những nguyên nhân loãng xương mà chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Do thiếu hụt hormon estrogen
Estrogen có tác dụng bảo vệ xương, bởi thế, nếu chúng ta có lượng estrogen thấp có nghĩa là có nguy cơ cao hơn tiến triển thành bệnh loãng xương. Mãn kinh gây nên sự tụt giảm rất nhanh hàm lượng estrogen, đây là lý do tại sao những phụ nữ sau tuổi mãn kinh cần đặc biệt cảnh giác với sức khỏe xương của bản thân. Tỷ lệ mất xương ở phụ nữ từ 4 - 8% một năm trong vài năm sau khi hai buồng trứng ngừng sản xuất estrogen.
Cũng như vậy, ở những phụ nữ vì lý do nào đấy phải cắt cả hai buồng trứng thì nguy cơ loãng xương cũng tăng cao do hai buồng trứng là nơi sản xuất rất nhiều estrogen cho cơ thể. Do đó, phụ nữ sau mãn kinh hoặc phụ nữ bị cắt hai buồng trứng cần đi khám và chỉ định sử dụng estrogen thay thế.
Thậm chí, nếu bạn là một phụ nữ trẻ và còn vài năm nữa là tới thời kỳ mãn kinh, bạn nên suy nghĩ về mức độ estrogen của bạn ngay từ bây giờ. Kinh nguyệt không đều có thể là biểu hiện của mức độ estrogen thấp và là một cảnh báo sớm để chăm sóc xương của bạn. Kinh nguyệt không đều cũng có thể do tập thể dục quá sức hoặc ăn uống quá ít, hoặc cả hai nguyên nhân này thì đều có thể làm tăng mất xương.
Đàn ông cũng có estrogen, nhưng ở đàn ông, nó là testosteron để bảo vệ xương. Những người đàn ông có hormon sinh dục thấp thì có nguy cơ loãng xương cao hơn.
Tiền sử gãy xương
Nếu chúng ta từng bị gãy xương thì có thể có nguy cơ cao hơn bị loãng xương so với những người khác do xương bị gãy có thể là do mật độ xương thấp.
Nhẹ cân
Những phụ nữ nhỏ bé và xương nhỏ cần cẩn trọng với loãng xương do khối lượng xương trong cơ thể thấp.
Chế độ ăn uống, tập luyện
Bất cứ ai có một chế độ ăn uống kiêng kem quá mức hay thói quen ăn uống thiếu chất có thể không nhận đủ canxi và các khoáng chất khác để làm xương chắc khỏe. Bên cạnh đó, ăn quá nhiều một số chất có thể gây hại cho xương. Protein: là chất quan trọng cho cơ thể, nhưng khi ăn quá nhiều có thể làm giảm canxi; uống nhiều hay lạm dụng café, rượu làm giảm sự hấp thu canxi và giảm khả năng sử dụng canxi của cơ thể. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ loãng xương theo một vài cách. Những hóa chất trong thuốc lá làm cơ thể khó sử dụng canxi, đồng thời khiến hormon estrogen không thực hiện nhiệm vụ của nó. Không tập thể dục làm xương yếu và dễ loãng xương.
Tập luyện, thể dục thường xuyên giúp phòng loãng xương. Ảnh: TM
Mỗi ngày, cơ thể cần phải nhận được một lượng vừa đủ các loại vitamin và khoáng chất khác nhau để thúc đẩy sự phát triển xương. Những gì chúng ta ăn có thể có một tác động đáng kể nguy cơ phát triển bệnh loãng xương. Một số loại vitamin và khoáng chất quan trọng thúc đẩy sự phát triển xương cần thiết cho cơ thể:
Canxi: là chất giúp cho xương của chúng ta lớn lên và tái sinh, nếu chúng ta không có đủ canxi mỗi ngày thì xương chúng ta sẽ bị yếu. Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển xương, canxi còn giúp duy trì hoạt động của các cơ bắp, kích thích máu lưu thông và phát tín hiệu cho các tế bào thần kinh đồng thời điều tiết các hormon trong cơ thể.
Vitamin D: Canxi cần vitamin D vì không có nó, cơ thể chúng ta sẽ không thể hấp thu và sử dụng canxi một cách hiệu quả. Không có đủ vitamin D trong khẩu phần ăn thì khi chúng ta có cung cấp nhiều canxi cho cơ thể cũng vẫn lãng phí và do vậy ảnh hưởng tới xương.
Những vitamin và khoáng chất khác: photpho, magie, vitamin K, vitamin B6 và vitamin B12 thì cũng quan trọng cho sự phát triển xương.
Một số bệnh có thể dẫn tới loãng xương
Loãng xương cũng có thể là hậu quả của một bệnh hoặc do việc lạm dụng một số loại thuốc. Tình trạng này được gọi là loãng xương thứ phát.
Các vấn đề về tiêu hóa: điều này có thể gây trở ngại trong vấn đề hấp thu canxi và vitamin D, điều này làm cơ thể khó khăn trong việc tái sinh xương (ví dụ hội chứng ruột kích thích).
Các bệnh về thận: các vấn đề về thận có thể gây mất canxi, làm xáo trộn sự cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương.
Bệnh về tuyến giáp và cận giáp: cường cận giáp trạng làm cho cơ thể tạo ra quá nhiều hormon cận giáp làm dẫn tới mất xương. Cường giáp tạo tình trạng quá nhiều hormon tuyến giáp trong cơ thể làm xương bị yếu.
Một số thuốc gây loãng xương
Như thuốc chống co giật hoặc thuốc chống động kinh; thuốc giảm axít dịch dạ dày có aluminum; Costicosteroid: Prednison là một costeicosteroid có thể gây mất xương rất mạnh.
Hormon tuyến giáp: ở những người suy giáp hoặc phải cắt bỏ tuyến giáp có thể phải sử dụng hormon tuyến giáp, việc sử dụng quá nhiều hormon này có thể làm xương yếu.
Lời khuyên của thầy thuốcMặc dù nhiều yếu tố nguy cơ, nhưng loãng xương là một tình trạng bệnh có thể ngăn chặn. Phòng ngừa bằng cách ăn thực phẩm đa dạng, giàu vitamin và khoáng chất chứa đủ số lượng canxi và vitamin D; đặt kế hoạch tập luyện hàng ngày; tạo dựng những thói quen sinh hoạt lành mạnh (như không hút thuốc, uống rượu). Ngoài ra, cũng có thể sử dụng một số loại thuốc chống loãng xương theo chỉ định của bác sĩ.
TS.BS. Nguyễn Hoàng Long (BV Việt Đức)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét